Bền vững và thân thiện môi trường đã và đang được nhiều người quan tâm khi sử dụng bất cứ sản phẩm, dịch vụ nào. Dù thưởng thức món trực tiếp tại nhà hàng, quán ăn, tiệm bánh hay đặt tiệc tận nơi theo hình thức Catering, ngoài chất lượng món ăn khách hàng dần để tâm hơn về công cụ, dụng cụ ăn uống, thực phẩm bếp đang sử dụng hay quá trình đóng gói, vận chuyển thức ăn… Tất cả có đang thân thiện với môi trường không?
Với những đơn tiệc cung cấp cho sự kiện tại doanh nghiệp, đặt qua PITO, khách hàng luôn nhấn mạnh về yếu tố môi trường. Vì vậy, bằng kinh nghiệm làm việc cùng 300+ đối tác chuyên cung cấp Catering, PITO thực hiện bài viết này, nhằm gửi đến bạn 6 cách hiệu quả, dễ thực hiện để cùng làm Catering bền vững nhé!
Catering bền vững là gì?
Theo Ủy ban Thế giới về Môi trường và Phát triển của Liên hợp quốc: bền vững là sự phát triển đáp ứng nhu cầu của hiện tại mà không ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng nhu cầu cho các thế hệ tương lai. Để làm được điều này, mọi người cần cân bằng các ưu tiên về kinh tế, xã hội với ưu tiên về môi trường, để đạt được chất lượng cuộc sống tốt hơn.
Vậy theo đó, Catering bền vững là quá trình cung cấp dịch vụ ẩm thực (tiệc) cho sự kiện hướng đến các yếu tố giảm thiểu tác hại đến môi trường. Quá trình này nên được thực hiện xuyên suốt từ khâu chọn nguyên liệu, chế biến, vận chuyển, phục vụ đến xử lý thức ăn thừa. Việc ý thức và áp dụng tính bền vững vào hoạt động kinh doanh nói chung, cung cấp Catering nói riêng không chỉ có ý nghĩa với môi trường, mà còn tạo ra những giá trị tích cực cho chính các đơn vị cung cấp dịch vụ.
Ý nghĩa khi làm Catering bền vững
- Giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường
- Nâng tầm hình ảnh thương hiệu, hướng đến các giá trị tích cực, bền vững và thân thiện môi trường
- Thu hút khách hàng mới, những người quan tâm đến tính bền vững
- Tối ưu chi phí, tăng thêm lợi nhuận nhờ cách đầu tư vào sản phẩm chất lượng
- Tăng khả năng cạnh tranh với các đơn vị Catering trên thị trường
6 cách làm Catering bền vững
1. Sử dụng thực phẩm “xanh"
Chăm chút và kỹ lưỡng hơn trong quá trình chọn thực phẩm là bạn đã bắt đầu làm Catering bền vững rồi đấy! Thực phẩm “xanh” không chỉ là những nguyên liệu tươi, mới mà còn bao gồm nhiều yếu tố khác như:
- Nguyên liệu theo mùa: việc sử dụng các loại hoa quả, rau củ hoặc thuỷ hải sản theo mùa, giúp đơn vị cung cấp dịch vụ tối ưu chi phí nguyên liệu vì thực phẩm theo mùa luôn có giá thành hợp lý hơn thực phẩm trái mùa. Mặt khác, đây là các thực phẩm được nuôi - trồng và thu hoạch trong điều kiện tự nhiên, chúng thường cần ít năng lượng và nguồn tài nguyên hơn so với việc sản xuất thực phẩm quanh năm.
- Nguyên liệu hữu cơ: bao gồm các thực phẩm hữu cơ, được nuôi - trồng, xử lý và chế biến theo những phương pháp an toàn cho cả môi trường và người sử dụng. Do vậy, sử dụng càng nhiều nguyên liệu hữu cơ trong các món ăn, giá trị thực đơn Catering của bạn càng được nâng tầm, tác động đến môi trường cũng như trải nghiệm ẩm thực của thực khách càng thể hiện rõ nét hơn.
- Nguyên liệu có sẵn tại địa phương: lựa chọn nguồn cung cấp thực phẩm từ địa phương, bạn có thể rút ngắn khoảng cách vận chuyển, giảm lượng khí thải carbon ra môi trường. Đồng thời, đây cũng là cách hỗ trợ nông dân và thúc đẩy kinh tế nông nghiệp của địa phương phát triển.
Nguồn ảnh: Canva
2. Tăng cường món ăn từ thực vật trong thực đơn
Những món ăn về thực vật có tác động đến môi trường thấp hơn so với những phần ăn từ thịt động vật. Bởi theo nhiều nghiên cứu, ngành công nghiệp đóng gói thịt đã tạo ra một lượng khí thải khổng lồ, ảnh hưởng trực tiếp đến bầu khí quyển Trái đất. Chưa kể hậu quả của việc chăn thả quá mức và phát quang đồng cỏ khiến cho nguồn tài nguyên ngày dần cạn kiệt.
Vì vậy, nếu hướng đến cung cấp dịch vụ Catering bền vững và thân thiện môi trường, PITO khuyến khích bạn “nhìn lại” thực đơn đang có, bổ sung hoặc làm mới, sao cho có sự xuất hiện hài hoà và hợp lý từ các nguyên liệu thực vật. Chẳng hạn:
- Xây dựng thực đơn món chay
- Bổ sung các món ăn healthy với phần lớn nguyên liệu là rau, củ, quả
- Thay thế nguồn protein động vật thành protein từ thực vật như đậu, hạt
- Thay đổi hoặc hạn chế các loại gia vị có nguồn gốc từ động vật như chuyển từ hạt nêm thịt thăn xương ống sang hạt nêm làm từ nấm hương…
- …
Những thay đổi, dù là từ gia vị hay cấu trúc thực đơn đều tạo ra những giá trị nhất định, không chỉ cho môi trường mà còn góp phần đáp ứng nhu cầu ăn chay, ăn kiêng của một bộ phận khách hàng hiện nay.
3. Tối ưu quy trình vận chuyển
Vì Catering là hình thức tiệc tận nơi, phục vụ tại địa điểm khách hàng lựa chọn, do đó đòi hỏi đơn vị cung cấp phải vận chuyển tất cả các công cụ set-up, dụng cụ ăn uống và thức ăn đến nơi tổ chức tiệc. Để thân thiện môi trường, giảm thiểu lượng khí từ phương tiện giao thông, các đơn vị cung cấp dịch vụ Catering cần tối ưu hóa quy trình vận chuyển với một số phương pháp dưới đây:
- Nâng cấp phương tiện di chuyển: Dù là phương tiện đang có hay sử dụng dịch vụ vận chuyển, thay vì chọn một chiếc ô tô con với tải trọng nhỏ, vận chuyển nhiều lần, bạn thay thế bằng một chiếc xe có tải trọng lớn hơn, có thể vận chuyển tất cả mọi thứ, bao gồm nhân sự phục vụ catering. Điều này, vừa tiết kiệm chi phí, thời gian, nhân sự vừa có thể tiết kiệm nhiên liệu, giảm thiểu khí thải từ phương tiện giao thông.
- Chọn những phương tiện di chuyển thân thiện môi trường: Đó có thể là các loại xe hoạt động bằng điện hoặc nhiên liệu sinh học, để hướng đến mục tiêu bảo vệ môi trường cũng như tiết kiệm đáng kể chi phí dài hạn.
- Xây dựng kế hoạch trước khi đi tiệc: Đơn vị Catering biết cách sắp xếp công cụ, dụng cụ tối ưu và hợp lý, tránh trường hợp quên, thiếu dụng cụ hay đổ vỡ, hỏng hóc thức ăn, cũng góp phần tránh lãng phí và tiết kiệm nguyên - nhiên liệu nói chung.
4. Sử dụng công cụ, dụng cụ thân thiện với môi trường
Nguồn ảnh: Canva
Công cụ và dụng cụ phục vụ tiệc là yếu tố có thể thay đổi trong thời gian ngắn, để hướng đến tính bền vững mà không ảnh hưởng quá nhiều đến hoạt động kinh doanh của các đơn vị Catering. Đặc biệt là việc giảm lượng rác thải nhựa, túi ni-lông trong quá trình phục vụ và dọn dẹp sau tiệc. Dưới đây là một số gợi ý từ PITO:
- Bất cứ khi nào có thể, hãy chọn dùng đồ sứ, thuỷ tinh, nhôm hay inox… bởi đây là những công - dụng cụ có thể rửa sạch và tái sử dụng nhiều lần.
- Trong những bữa tiệc không quá tập trung vào hình thức, yêu cầu sự nhanh - gọn, các sản phẩm thân thiện môi trường hoặc có khả năng tự phân hủy sinh học là lựa chọn tối ưu.
- Sau tiệc, đơn vị Catering nên sử dụng các loại túi tự phân huỷ để thu gom rác thải. Các loại rác nên được phân loại trước khi thải ra môi trường, những vật liệu có thể tái chế, bạn nên thu gom để tự tái chế hoặc gửi đến những đơn vị/tổ chức cần chúng.
5. Giảm thiểu thức ăn thừa
Lãng phí thực phẩm là vấn đề nghiêm trọng trong ngành tổ chức sự kiện nói chung, lĩnh vực Cateirng - tiệc tận nơi nói riêng. Ước tính khoảng 40% thực phẩm được chuẩn bị cho các sự kiện cuối cùng trở thành rác thải. Chất thải thực phẩm thải ra trong môi trường hàng tấn khí metan và là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra phát thải khí nhà kính.
Để giảm lãng phí thức ăn, bạn có thể áp dụng những phương pháp sau:
- Trao đổi rõ với khách hàng về định lượng món ăn: Mỗi loại tiệc sẽ có những định lượng thức ăn khác nhau, mỗi món ăn, cũng có những đặc điểm khác nhau, tác động đến vị giác của thực khách.
Chẳng hạn, các món trong tiệc Finger Food như tôm cocktail, xiên bò nướng, mực vòng… luôn nhỏ, gọn, không thể ăn no; nhưng các món trong tiệc Nhanh theo phong cách ẩm thực Việt như cơm chiên, gỏi cuốn, gà quay… thì “chắc bụng”, thực khách dễ ngấy hơn. Do vậy, trong quá trình tư vấn, đơn vị nên giới thiệu và phân tích chi tiết với khách hàng để thống nhất định lượng món ăn phù hợp với số lượng thực khách. - Khuyến khích khách hàng mang phần ăn về nhà: Sau tiệc, để giải quyết vấn đề lãng phí thực phẩm, bạn có thể trao đổi cùng khách hàng để thống nhất cách xử lý, thay vì huỷ bỏ. Khách có thể giữ phần thức ăn còn lại, mang về nhà hoặc “tặng” những ai có nhu cầu như các tổ chức từ thiện, người vô gia cư… Do vậy đơn vị cung cấp Catering nên chuẩn bị sẵn hộp hoặc túi đựng, hỗ trợ khách lưu trữ thức ăn.
Tuy nhiên, khi áp dụng cách này bạn nên chia sẻ thật kỹ với khách hàng về đặc điểm món ăn, thời gian sử dụng tốt nhất cũng như cách bảo quản, hâm nóng. Đặc biệt, để tránh tối đa các vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm khi mang món ăn ra khỏi khu vực tiệc, PITO lưu ý các đơn vị cung cấp nên lưu trữ mẫu thức ăn, ít nhất 48 giờ sau tiệc. - Tiến hành “tái chế” thức ăn thừa: Đối với những thực phẩm thừa không thể tái sử dụng như rau, vỏ trái cây, vỏ trứng, trà túi lọc... bạn có thể biến nó thành phân bón thay vì vứt vào thùng rác. Phương pháp này không chỉ giúp cây phát triển tốt mà còn tiết kiệm và an toàn cho môi trường.
6. Tiết kiệm nước và năng lượng
Tiết kiệm nước và năng lượng là những khía cạnh nên hướng đến khi muốn làm Catering bền vững.
- Tiết kiệm nước: Thực hiện các biện pháp tiết kiệm nước, chẳng hạn sử dụng vòi và máy rửa chén có dòng chảy thấp, đồng thời tái sử dụng nước thừa tưới cây. Trong quá trình sơ chế, chế biến món ăn, đơn vị cung cấp Catering cũng nên hướng dẫn hoặc khuyến khích đầu bếp sử dụng thực phẩm một cách hiệu quả, tối ưu quy trình sơ chế, rửa thực phẩm hoặc thay thế, giảm thiểu thời gian sử dụng nhiên liệu để nấu ăn bằng những phương pháp tốt hơn.
- Tiết kiệm năng lượng: Bạn chỉ nên sử dụng các thiết bị và ánh sáng khi thực sự cần thiết như trong khu vực bếp hoặc các địa điểm tiệc thiếu sáng. Đối với các buổi tiệc được tổ chức ngoài trời vào ban ngày, bạn có thể xem xét việc tận dụng ánh sáng tự nhiên, giảm số lượng thiết bị cung cấp ánh sáng. Số lượng đèn dùng để trang trí cũng nên được cân nhắc một cách kỹ lưỡng. Thay thế các bóng đèn sợi đốt bằng các bóng đèn led tiết kiệm điện năng cũng là cách làm hay.
Với 6 cách đã gợi ý, PITO mong mang đến cho quý Đối tác, các bếp, nhà hàng, quán ăn hoặc tiệm bánh những giải pháp hiệu quả trong quá trình làm Catering bền vững và thân thiện môi trường. Nếu đơn vị của bạn cũng đang hướng đến hoặc đã thực hiện những giải pháp bền vững, đừng ngần ngại chia sẻ thêm cùng PITO và bạn đọc nhé!