Tiệc Cocktail – Canapé
Bài học 16 Chương 4
Lấy cảm hứng từ sự tinh tế của cocktail, một hình thức tiệc ra đời dựa trên việc phục vụ cocktail hoặc các loại đồ uống có cồn làm chủ đạo với mục đích giao lưu, kết nối hữu nghị giữa các khách mời trong cộng đồng và doanh nghiệp gọi là tiệc Cocktail
1. Giới thiệu về tiệc Cocktail
Hình thức tiệc Cocktail một buổi họp mặt xã hội chủ yếu là không chính thức, thường bao gồm đồ uống hỗn hợp, đồ uống giải khát nhẹ và danh sách khách mời thân mật. Du khách được khuyến khích hòa mình trong khi thưởng thức nhiều loại đồ uống do chủ nhà hoặc người pha chế chuyên nghiệp phục vụ.
Tiệc không chính thức có thể là một sự thay thế cho tiệc chiêu đãi chính thức hoặc tiệc tối đầy đủ, đặc biệt nếu các vị khách đã lên kế hoạch ăn tối khác hoặc có kế hoạch sau đó vào buổi tối.
Lưu ý: Tiệc Cocktail là một buổi tiệc được các tổ chức lựa chọn nhằm tạo không khí gắn kết và giao lưu, tiếp đãi khách mời. Khác với giờ Cocktail (Cocktail hour hay Happy Hour) là tên gọi các chương trình được tổ chức nhằm kích cầu, thu hút thực khách tại các cơ sở kinh doanh ăn uống (nhà hàng, quán bar, khách sạn…) trong một khung giờ cố định.

Nguồn: Internet
2. Quá trình hình thành của tiệc Cocktail
Mặc dù còn có nhiều tranh luận xoay quanh việc ai là người phát minh ra tiệc Cocktail, tuy nhiên, một bài báo trên tờ St. Paul Pioneer Press vào tháng 5/1917 đã ghi nhận bữa tiệc Cocktail đầu tiên được tổ chức bởi quý bà Julius S. Walsh Jr. (tên thật là Clara D.D. Bell Walsh). Bữa tiệc tại gia ở St. Louis được tổ chức vào buổi trưa ngày chủ nhât, kéo dài khoảng 1 giờ đồng hồ với 50 vị khách mời.
Dù thuật ngữ cocktail đã xuất hiện trước đó nhiều thập kỷ, nhưng chính việc phục vụ các món cocktail tại bữa tiệc của quý bà xứ St. Louis đã giúp phần xóa bỏ sự ngăn cản việc tiêu thụ đồ uống có cồn tại nơi những nơi công cộng của phụ nữ thời bấy giờ. Sự thành công của buổi tiệc Cocktail đó ngay lập tức bùng nổ và lan rộng trong suốt một thời gian dài. Tiệc Cocktail từ đó cũng trở nên nổi tiếng và trở thành một hình thức tiệc được đón nhận cho đến thời điểm hiện tại với không chỉ cocktail mà cả bia và rượu vang.
Ngày nay, trong một số trường hợp, nhằm đảm bảo mang đến trải nghiệm hoàn hảo cho tất cả người tham dự, đơn vị tổ chức sẽ chuẩn bị các sự lựa chọn về đồ uống không cồn. Bên cạnh các thức uống quen thuộc như nước suối, nước ép trái cây, nước ngọt thì còn có thể phục vụ mocktail; một phiên bản cocktail không cồn.

Tiệc Cocktail tại khách sạn Imperial, Tokyo, Nhật Bản, 13/03/1961.
Nguồn: Internet
3. Canapé và tiệc Cocktail
Canapé là các món khai vị được trình bày dưới hình thức Finger food. Đặc điểm nổi bật của Canapé đó là lớp đế bánh mì (hoặc các loại bánh quy giòn). Lớp đế của món ăn làm liên tưởng đến hình ảnh chiếc ghế sofa. Đây cũng là lý do các món Finger food này được gọi là Canapé (nghĩa là sofa trong tiếng Pháp). Việc sử dụng Canapé tại các bữa tiệc Cocktail xuất phát từ những nguyên nhân sau:
- Để đảm bảo sức khỏe và trải nghiệm của khách mời. Việc tiêu thụ đồ uống có cồn khi dạ dày trống sẽ tạo cảm giác cồn cào, khó chịu và tăng tốc độ hấp thụ chất cồn (ethanol) vào trong máu dẫn đến tình trạng mất kiểm soát, ảnh hưởng đến trải nghiệm cũng như sức khỏe về mặt lâu dài. Do đó, tại các bữa tiệc Cocktail, các món ăn nhỏ gọn như Canapé thường xuyên được sử dụng nhằm đảm bảo mang đến những trải nghiệm tốt và an toàn nhất đến khách mời
- Phía trên lớp đế bánh mì, Canapé sẽ được phủ nhiều loại nguyên liệu khác nhau để tạo nên hương vị của món ăn. Các nguyên liệu được lựa và chế biến theo nhiều cách khác nhau; tuy nhiên, có một điểm chung đó là các món Canapé khá đậm vị. Chính hương vị đậm đà của Canapé sẽ kích thích nhu cầu tiêu thụ các thức uống như cocktail, bia hoặc kể cả rượu vang, cân bằng vị giác và tạo cảm giác hài hòa trong suốt quá trình thưởng thức.
- Canapé thường được biết đến bởi sự tinh tế và sang trọng không chỉ vì thành phần nguyên liệu cần được chọn lọc kỹ càng mà còn đến từ khâu chuẩn bị và chế biến. Các món Canapé thường sẽ được chuẩn bị bởi các đầu bếp có kinh nghiệm nhằm đảm bảo sự hài hòa và hỗ trợ lẫn nhau trong hương vị giữa các món ăn và đồ uống. Ngoài ra, khâu trình bày cũng được chăm chút tỉ mỉ để đảm bảo các món ăn khi trao đến tay người dùng luôn ở trạng thái hoàn hảo nhất.
- Canapé cũng như các món Finger food khác có kích thước nhỏ gọn, không yêu cầu các dụng cụ ăn uống như dao. Vì vậy, thực khách có thể thưởng thức đồ ăn thức uống trong điều kiện thoải mái nhất.
Do đó, không khó để hiểu được vì sao Canapé vẫn luôn là sự là sự lựa chọn hoàn hảo hoặc được xem như một thành phần không thể thiếu tại các bữa tiệc Cocktail.

Nguồn: Internet
4. Các hình thức phục vụ tiệc Cocktail
Tiệc tự chọn:
Một hình thức phục vụ phổ biến đối với tiệc Cocktail đó là trình bày dưới dạng bàn buffet tự chọn. Khách mời thoải mái trong việc lựa chọn món ăn và đồ uống tùy theo sở thích và nhu cầu của mỗi người.
Các món ăn và đồ uống sẽ được chuẩn bị sẵn tại bàn tiệc chính, lưu ý khu vực đồ ăn và thức uống nên được sắp xếp tách biệt nhằm giảm thiểu tình trạng ùn tắc trong quá trình sử dụng dịch vụ.

Nguồn: Internet
Pass around:
Cũng với hình thức phục vụ tiệc tự chọn, Pass around giống như một bàn buffet lưu động, cho phép người dự tiệc không phải di chuyển quá nhiều để lấy thức ăn. Thay vì đồ ăn thức uống được trình bày trên bàn tiệc chính và cố định tại chỗ, với hình thức Pass around, đơn vị tổ chức sẽ chuẩn bị các khay đồ ăn thức uống khác nhau và được nhân viên chủ động bưng đến để phục vụ các vị khách tham dự trong khuôn viên buổi tiệc.
Việc sử dụng hình thức Pass around có những ưu điểm nổi bật như:
- Hạn chế tối đa việc tập trung tại bàn tiệc chính, giảm thiểu thời gian chờ đợi lấy món
- Khách mời không phải dừng cuộc trò chuyện và di chuyển đến địa điểm lấy thức ăn
- Trải nghiệm của khách hàng đặc biệt được nâng cao, thể hiện sự chu đáo của đơn vị chủ quản cũng như sự sang trọng của bữa tiệc
Đối với hình thức phục vụ Pass around, đơn vị tổ chức cần chú ý sắp xếp đủ nhân sự để có thể liên tục phục vụ và chủ động tiếp cận khách mời, tránh trường hợp khách tham dự phải đi tìm nhân viên để được phục vụ đồ ăn hoặc thức uống. Bên cạnh đó, nhân viên cũng cần chú ý việc thu dọn các dụng cụ ăn uống đã qua sử dụng như ly, đĩa, khăn ăn… nhằm đảm bảo vệ sinh và tính thẩm mỹ của bữa tiệc.

Nguồn: PITO
Live Station:
Đây được xem là một hình thức phục vụ mang đến trải nghiệm đặc sắc nhất cho khách mời. Khác với Live Station của quầy Buffet, tại tiệc Cocktail, các đơn vị Catering chuyên nghiệp có thể mang đến những quầy bar và những màn pha chế tại chỗ để phục vụ theo yêu cầu của thực khách (yêu cầu dựa trên thực đơn có sẵn hoặc các nguyên liệu đã được chuẩn bị).

Nguồn: Internet
Tuy nhiên, để đảm bảo mang đến một buổi Live Station thành công, doanh nghiệp cần lựa chọn những đơn vị Catering có kinh nghiệm trong việc pha chế đặc biệt trong điều kiện phục vụ số lượng lớn khách hàng tại cùng một thời điểm. Bên cạnh đó, 3 yếu tố sau cũng cần đảm bảo khả năng phục vụ lưu lượng lớn khách mời tại buổi tiệc:
1. Nguyên liệu: có thể chuẩn bị hoặc sơ chế trước nguyên liệu, tránh các món có thành phần từ trứng
2. Công đoạn pha chế: các bước pha chế có thể thao tác nhanh, gọn, lẹ thay vì phải trải qua những công đoạn cầu kỳ. Các kỹ thuật như:
- On the rock ( dùng kèm đá)
- Top up/ Building (pha trộn trực tiếp trong ly)
- Shake (lắc)
- Neat (nguyên chất)
- Muddle (dằm các nguyên liệu)
3. Thời gian pha chế: không lựa chọn các loại đồ uống có thời gian pha chế quá lâu
- Quy mô 25 người: thời gian pha chế trung bình 1 phút 30 giây cho 1 ly cocktail
- Quy mô lớn (trên 100 người): trung bình 30 giây cho 1 ly cocktail
Ngoài ra, đơn vị tổ chức tiệc cần đặc biệt lưu ý quy mô buổi tiệc để sắp xếp đủ số lượng nhân viên pha chế (bartender); đảm bảo tốc độ pha chế đáp ứng được nhu cầu của tất cả các khách mời.