Làm gì khi khách hàng khiếu nại thức ăn nhà hàng gây ngộ độc? 

Khieu-nai-nha-hang-Thumbnail

 Phạm Đông Huy

 Tháng Bảy 24, 2021  | Đọc trong phút

Thức ăn luôn tiềm ẩn rủi ro gây ngộ độc thực phẩm, nhẹ có thể gây khó chịu trong cơ thể, buồn nôn, nặng có thể để lại di chứng hoặc thậm chí tử vong. Đối với nhà hàng có dịch vụ phục vụ tận nơi, off-premise catering, thì rủi ro thức ăn nhiễm khuẩn càng phải được chú trọng để phòng tránh. Nếu để xảy ra ngộ độc thực phẩm thì tổn hại cho thực khách và đơn vị cung cấp là không thể tính và khó khắc phục.

Tổng hợp từ kinh nghiệm thực tế và các thông tin từ các nguồn hướng dẫn của cơ quan an toàn thực phẩm của Việt Nam, Mỹ, Úc, Singapore, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu về cách giải quyết khi khách hàng than phiền bị ngộ độc thức ăn thế nào nhé.

che-bien-mon-an-nha-hangĐối với các nhà hàng, việc thực hiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm luôn cần được chú trọng.

Khả năng thực phẩm nhiễm khuẩn cao

Khi nhà hàng phục vụ thức ăn cho khách, chúng ta luôn đứng trước rủi ro thức ăn bị nhiễm khuẩn rất cao. Việc nấu sôi thực phẩm như chúng ta thường biết chỉ mới là điều kiện cần, chứ chưa đủ, trên thực tế, thực phẩm cần phải trải qua nhiều công đoạn xử lý để đảm bảo chất lượng thực phẩm. 

thuc-pham-tuoi-song

Bảo quản thực phẩm là quá trình xử lý thức ăn nhằm ngăn chặn hoặc làm chậm việc thức ăn bị hư hỏng

 

    • Không phân khu vực: Thực phẩm tươi sống nếu không được phân loại, tách riêng ra để trữ hay xử lý đúng cách sẽ gây ra việc nhiễm khuẩn chéo. Ví dụ như máu từ thịt bò có thể lẫn vào trong rau quả nếu để chung với nhau. 
    • Lưu trữ sai cách: Khi trữ thức ăn nếu không có quy định và phân loại, sắp xếp đúng thứ tự cũng là nguyên nhân gây nhiễm khuẩn chéo. Thịt cá tươi sống nếu đặt nằm trên thức ăn đã nấu chín hay trái cây sẽ là nguy cơ bị máu rơi và chất dơ rơi trúng.
    • Thức ăn vào vùng nhiệt độ nguy hiểm: Thức ăn nấu chín nếu để trong nhiệt độ phòng quá lâu (thông thường là trên 4 giờ) sẽ rơi vào vùng nhiệt độ nguy hiểm danger zone trên 4 độ C và dưới 60 độ C là cơ hội cho vi khuẩn sinh sôi nảy nở, sau 4 giờ đạt đến 65,536 vi khuẩn. Đặc biệt đối với thức ăn phục vụ tận nơi, thời gian di chuyển và thời gian chờ đợi đến lúc khách ăn thường kéo dài.
    • Sơ chế không vệ sinh: Rửa sạch nấu chín chưa chắc thức ăn đã an toàn, sạch khuẩn, mà các bước xử lý và điều kiện an toàn vệ sinh của nơi chế biến cũng rất quan trọng. Nếu thực phẩm tươi sống chưa được làm sạch kỹ, sau khi nấu chín vẫn có thể mang nhiều vi khuẩn. 
    • Nơi chế biến không đạt chuẩn: Rau quả khi rửa qua nước chưa chắc đã sạch vì thuốc trừ sâu và vi khuẩn có thể vẫn còn. Hay khi rửa rau ở dưới đất (rất nhiều nhà hàng ở Việt Nam vẫn để rau dưới đất để rửa cho gần vòi nước) thì khả năng vi khuẩn chất dơ từ ngoài xâm nhập vào. 
    • Vệ sinh cá nhân không tốt: Trong quá trình chế biến, vệ sinh cá nhân của người chế biến cũng có thể là một tác nhân gây nhiễm khuẩn chéo. Rửa tay không sạch, móng tay dơ, tóc rơi vào thức ăn, không đeo khẩu trang….. tất cả đều là nguy cơ truyền khuẩn qua thức ăn.

che-bien-thuc-anTrong quá trình chế biến, thức ăn có thể ngộ độc ở bất cứ giai đoạn nào.

Tìm hiểu về các loại ngộ độc thực phẩm 

Khi thức ăn nhiễm khuẩn, người ăn vào sẽ bị nhiễm khuẩn và có nhiều loại vi khuẩn khác nhau trong thức ăn có thể gây ra ngộ độc, từ nhẹ đến nặng. Một số vi khuẩn khiến bạn bị bệnh trong vòng vài giờ sau khi bạn nuốt phải. Những loại khác có thể mất một vài ngày. Danh sách sau cung cấp các triệu chứng, biểu hiện của triệu chứng và các nguồn thực phẩm phổ biến mà vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm. Các vi khuẩn được liệt kê theo thứ tự các triệu chứng bắt đầu nhanh như thế nào.

infographic-blog-vi-khuan-gay-ngo-doc-thuc-pham

 

Tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus)

    • Các triệu chứng bắt đầu từ 30 phút đến 8 giờ sau khi tiếp xúc: Buồn nôn, nôn mửa, co thắt dạ dày. Hầu hết mọi người bị tiêu chảy.
    • Nguồn thực phẩm thông thường: Thực phẩm chưa được nấu chín sau khi xử lý, chẳng hạn như thịt cắt lát, bánh pudding, bánh ngọt và bánh mì sandwich.

Nhiễm khuẩn Vibrio

    • Các triệu chứng bắt đầu từ 2 đến 48 giờ sau khi tiếp xúc: Tiêu chảy ra nước, buồn nôn, co thắt dạ dày, nôn mửa, sốt, ớn lạnh.
    • Nguồn thực phẩm phổ biến: Động vật có vỏ sống hoặc nấu chưa chín, đặc biệt là hàu.

Nhiễm khuẩn Clostridium perfringens

    • Các triệu chứng bắt đầu từ 6 đến 24 giờ sau khi tiếp xúc: Tiêu chảy, co thắt dạ dày. Thường bắt đầu đột ngột và kéo dài dưới 24 giờ. Nôn mửa và sốt không phổ biến.
    • Nguồn thực phẩm phổ biến: Thịt bò hoặc gia cầm , đặc biệt là thịt quay lớn; nước thịt; thực phẩm khô hoặc được nấu sẵn.

Nhiễm khuẩn Salmonella

    • Các triệu chứng bắt đầu từ 6 giờ đến 6 ngày sau khi tiếp xúc: Tiêu chảy, sốt, co thắt dạ dày, nôn mửa.
    • Nguồn thực phẩm phổ biến: Thịt gà , gà tây và thịt sống hoặc nấu chưa chín, trứng gà, sữa và nước trái cây (tươi) chưa tiệt trùng, trái cây và rau sống.Các nguồn khác: Nhiều động vật, bao gồm cả gia cầm thả vườn ,bò sát và lưỡng cư ,và động vật gặm nhấm.

Nhiễm khuẩn Norovirus

    • Các triệu chứng bắt đầu từ 12 đến 48 giờ sau khi tiếp xúc: Tiêu chảy, buồn nôn / đau dạ dày, nôn mửa.
    • Nguồn thực phẩm thông thường: Rau xanh, trái cây tươi, động vật có vỏ (như hàu), hoặc nước không an toàn.Các nguồn khác: Người bị nhiễm bệnh, chạm vào các bề mặt có vi khuẩn.

Ngộ độc Clostridium botulinum (Bệnh ngộ độc thịt)

    • Các triệu chứng bắt đầu từ 18 đến 36 giờ sau khi tiếp xúc: Nhìn đôi hoặc mờ, mí mắt sụp xuống, nói lắp. Khó nuốt và thở, khô miệng. Yếu cơ và tê liệt. Các triệu chứng bắt đầu ở đầu và giảm dần khi bệnh nặng hơn.
    • Nguồn thực phẩm thông thường: Thực phẩm đóng hộp hoặc lên men không đúng cách, thường là tự làm.

Nhiễm khuẩn Campylobacter

    • Các triệu chứng bắt đầu từ 2 đến 5 ngày sau khi tiếp xúc: Tiêu chảy (thường có máu), đau / co thắt dạ dày, sốt.
    • Nguồn thực phẩm thông thường: Thịt gia cầm sống hoặc nấu chưa chín, sữa tươi sống (chưa tiệt trùng) và nước bị ô nhiễm.

Nhiễm khuẩn E. coli (Escherichia coli)

    • Các triệu chứng bắt đầu từ 3 đến 4 ngày sau khi tiếp xúc: Đau bụng dữ dội, tiêu chảy (thường ra máu) và nôn mửa. Khoảng 5–10% những người được chẩn đoán mắc vi khuẩn E. coli phát triển một vấn đề sức khỏe đe dọa tính mạng.
    • Nguồn thực phẩm thông thường: Thịt bò xay sống hoặc chưa nấu chín, sữa và nước trái cây sống (chưa tiệt trùng), rau sống (như rau diếp ), rau mầm sống , nước không an toàn.

Nhiễm ký sinh trùng Cyclospora

    • Các triệu chứng bắt đầu 1 tuần sau khi tiếp xúc: Tiêu chảy nhiều nước, chán ăn và sụt cân. Đau / co thắt dạ dày, đầy hơi, tăng khí, buồn nôn và mệt mỏi.
    • Nguồn thực phẩm thông thường: Trái cây sống hoặc rau  và thảo mộc.

Nhiễm khuẩn Listeria

    • Các triệu chứng bắt đầu từ 1 đến 4 tuần sau khi tiếp xúc: Phụ nữ mang thai thường bị sốt và các triệu chứng giống cúm khác, chẳng hạn như mệt mỏi và đau nhức cơ. Nhiễm trùng khi mang thai có thể dẫn đến bệnh tật nghiêm trọng hoặc thậm chí tử vong ở trẻ sơ sinh.Những người khác (thường là người lớn tuổi): nhức đầu, cứng cổ, lú lẫn, mất thăng bằng và co giật kèm theo sốt và đau cơ.
    • Nguồn thực phẩm phổ biến: các loại pho mát mềm khác, rau mầm sống, dưa, xúc xích, pa tê, thịt nguội, hải sản hun khói và sữa tươi sống (chưa tiệt trùng)

Làm sao để tránh thức ăn bị nhiễm khuẩn

Cách tốt nhất để kiểm soát ngộ độc thực phẩm là hiểu về nguy cơ nhiễm khuẩn và ngăn ngừa từ trước, như vậy sẽ giúp bạn giảm thiểu nguy cơ phục vụ thức ăn không an toàn. Một số việc cần làm:

    • Mời chuyên gia về vệ sinh an toàn thực phẩm xây dựng chương trình an toàn thực phẩm.
    • Cung cấp dụng cụ vệ sinh thiết yếu cho nhân viên.
    • Nhân viên được đào tạo và kiểm tra thường xuyên về kiến thức và trong lúc làm việc về vệ sinh an toàn thực phẩm. 
    • Chọn lựa công cụ dụng cụ nhà bếp đạt tiêu chuẩn.
    • Đảm bảo thức ăn được nấu chín, lưu trữ và phục vụ đúng nhiệt độ.
    • Ghi chú và giữ mẫu thức ăn.

huong-dan-luu-mau-nhan-vienLưu mẫu thức ăn là một trong những yêu cầu bắt buộc đối với hoạt động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.

Nhiệt độ thức ăn:

    • Tránh để thức ăn có nguy cơ nhiễm khuẩn cao trong vùng nhiệt độ nguy hiêm (Temperature Danger Zone)
    • Giữ thức ăn lạnh dưới 5°C, thức ăn nóng trên 60°C 
    • Tủ lạnh luôn đảm bảo nhiệt độ dưới 5°C, sắp xếp thực phẩm trong tủ không chồng lên nhau chật chội để khí có thể lưu chuyển nhiệt độ đều.

nhiet-do-thuc-an-an-toan
Vùng nhiệt độ nguy hiểm cho thực phẩm trong phạm vi từ 5 đến 60 độ C, trong đó vi khuẩn phát triển nhanh nhất trong khoảng từ 21 đến 51 độ C.

Thức ăn nấu chín

    • Nấu chín kỹ và nhiệt độ bên trong đạt tối thiểu 75°C
    • Giữ thức ăn nóng trên 60°C
    • Ngay khi thức ăn nguội, để ngay vào tủ lạnh.
    • Tránh để thức ăn ở nhiệt độ phòng hơn 1 giờ
    • Khi làm nóng thức ăn thì cần truyền nhiệt liên tục cho đến khi bên trong thức ăn đạt đến 75°C

thuc-an-nau-chinCác bữa ăn dành cho Doanh nghiệp do PITO và Đối tác thực hiện luôn đảm bảo nhiệt độ với những dụng cụ chuyên dụng.

Thức ăn đông lạnh

    • Giữ thức ăn đông lạnh dưới 0°C
    • Xả đông bằng 1 trong 3 cách: để trong ngăn mát của tủ lạnh, để dưới vòi nước chảy, dùng lò vi sóng.
    • Không xả đông bằng cách để ra nhiệt độ phòng.
    • Thức ăn đã xả đông, không được cấp đông trở lại.

Khi xử lý thực phẩm tươi sống

    • Tách thực phẩm tươi sống và thực phẩm nấu chín riêng để tránh nhiễm khuẩn chéo.
    • Lưu trữ thực phẩm tươi sống trong các bịch hay hộp kín và luôn để bên dưới đồ ăn đã nấu chín bên trong tủ lạnh.
    • Rửa tay ngay khi tiếp xúc với đồ ăn tươi sống (dù sau đó có thể cũng không chạm vào thực phẩm sống thì cũng luôn rửa để tập thành 1 thói quen). 

Thịt

    • Không rửa thịt tươi sống trước khi nấu vì nó có thể làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn. Nước bắn ra từ việc rửa thịt dưới vòi nước có thể lây lan vi khuẩn lên tay, bề mặt làm việc, quần áo và thiết bị nấu nướng… Hầu hết các trường hợp nhiễm campylobacter đến từ gia cầm.

thuc-pham-dong-lanhNhiễm khuẩn Campylobacter là bệnh nhiễm khuẩn đường ruột do vi khuẩn Campylobacter gây ra.

Rau củ quả

    • Rửa kỹ qua 2-3 lần nước và xã nước bằng rổ quay rau củ (vegetable spinner, có nhiều loại nhỏ cho gia đình hoặc lớn cho bếp thương mại)

Trứng

    • Rửa vỏ trứng trước khi đập.
    • Cẩn thận hơn khi chế biến thực phẩm có trứng vẫn chưa nấu chín, như trứng cà phê trứng hay sốt mayonnaise tự làm, vì vi khuẩn trên vỏ trứng có thể làm gây nhiễm khuẩn.

Công cụ dụng cụ

    • Tách riêng công cụ dụng cụ dùng cho thực phẩm tươi sống và thức ăn nấu chín. Luôn rửa sau khi sử dụng
    • Nên sử dụng thớt khác nhau cho từng loại thực phẩm. Hoặc nếu dùng chung một thớt thì sau khi sử dụng phải được rửa kỹ, sát khuẩn với hoá chất chuyên dụng của bếp và phơi khô trước khi dùng. 

thot-nau-anThớt chính là một trong những công cụ không thể thiếu trong quá trình chế biến món ăn.

Lưu trữ bảo quản

    • Phân loại và dán nhãn khu vực lưu trữ thực phẩm trong tủ lạnh, phòng lạnh, tủ hay kho thực phẩm khô.
    • Giữ những hoá chất, bình xịt, chất tẩy rửa….cách xa khu vực để thực phẩm.

Lau rửa

    • Không dùng khăn lau tay, lau bàn để lau chén muỗng dĩa.
    • Khăn lau nên được giặt và phơi khô thường xuyên.
    • Thường xuyên giặt và thay khan lau chén dĩa.

Vận chuyển

Thực phẩm phải được vận chuyển một cách an toàn và hợp vệ sinh, cụ thể: –

    • Không được đặt thực phẩm để thực phẩm có nguy cơ bị ô nhiễm. Thức ăn mở phải được đậy kín và thực phẩm sống và chín phải được bảo quản riêng biệt.
    • Tất cả thực phẩm có nguy cơ nhiễm khuẩn cao phải được vận chuyển ở nhiệt độ thích hợp; tức là 8 ° C trở xuống đối với thực phẩm ướp lạnh (tốt nhất là 5°C), -18°C đối với thực phẩm đông lạnh.
    • Tất cả các hộp đựng thực phẩm phải phù hợp với mục đích, sạch sẽ và ở tình trạng tốt.

infographic-quy-tac-4-buoc-an-toan-thuc-pham

 

Những khách hàng nào sẽ có nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm cao

Một số khách hàng có thể nhạy cảm hơn hoặc bị ảnh hưởng bởi các triệu chứng ngộ độc thực phẩm. Bao gồm:

    • Phụ nữ mang thai
    • Trẻ em đến năm tuổi
    • Những người trên 70 tuổi với một số tình trạng cơ bản nhất định
    • Những người có hệ thống miễn dịch bị tổn thương
    • Những người bị bệnh mãn tính hoặc cấp tính

infographic-blog-ngo-doc-thuc-pham

 

Cũng cần lưu ý rằng một số trường hợp ngộ độc thực phẩm có thể truyền từ người sang người hoặc khi chạm vào các bề mặt bị nhiễm khuẩn. Trong một số trường hợp hiếm hoi, ngộ độc thực phẩm có thể gây bệnh nặng, dẫn đến các vấn đề sức khỏe lâu dài hoặc thậm chí tử vong.

Làm gì khi khách hàng khiếu nại bị ngộ độc vì thức ăn của nhà hàng bạn

Khi khách hàng khiếu nại thức ăn của bạn gây ngộ độc, đây là một vấn đề nghiêm trọng vì nó có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ của khách hàng, cũng như nhà hàng sẽ gặp những vấn đề pháp lý, vì vậy, những người quản lý và nhân viên nhà hàng cần phải nắm rõ về cách xử lý, giao cho người có trách nhiệm phụ trách, và xử lý ngay lập tức.

Vì tính nghiêm trọng, và nguyên nhân gây ra ngộ độc (nếu có) khá phức tạp, nên khách hàng không thể khẳng định khi chưa có kết quả điều tra. Cũng như quản lý và nhân viên nhà hàng cũng không nên nhận lỗi ngay khi nhận than phiền. Rất nhiều nhân viên thiếu hiểu biết đã nhận lỗi, dẫn đến việc khó xử lý theo đúng quy trình và chuyên môn, sớm tìm ra nguyên nhân và hướng xử lý kịp thời, công bằng cho hai phía.

khieu-nai-ngo-docMỗi nhà hàng cần nắm rõ cách xử lý khi khách hàng khiếu nại ngộ độc.

Theo hướng dẫn của Học Viện Vệ Sinh An Toàn Thực Phẩm của Úc, có 4 bước cần thực hiện khi nhận khiếu nại về ngộ độc thực phẩm từ khách hàng

Bước 1. Tìm hiểu kỹ về khiếu nại

Nếu khách hàng cáo buộc rằng họ bị ngộ độc thực phẩm do ăn thức ăn của nhà hàng, bạn hãy:

    • Đảm bảo với khách hàng rằng nhà hàng của bạn rất coi trọng khiếu nại từ khách hàng.
    • Ghi lại thời gian và ngày mà khách hàng thông báo khiếu nại.
    • Yêu cầu khách hàng viết ra hoặc cho phép ghi âm tường thuật các chi tiết sẽ giúp bạn điều tra kỹ lưỡng sự việc.

Nếu khách hàng đồng ý trả lời câu hỏi của bạn, hãy ghi lại các chi tiết sau:

    • Tên và thông tin liên hệ của người khiếu nại
    • Có bao nhiêu người được cho là bị ngộ độc
    • Món nào đã được ăn và khi nào
    • Món ăn nào mà khách hàng nghi ngờ đã gây ra ngộ độc (đối với từng người, nếu cần thiết)
    • Các triệu chứng ngộ độc thực phẩm
    • Khi nào các triệu chứng bắt đầu xảy ra
    • Nếu món ăn nào bị nghi ngờ gây ngộ độc vẫn chưa ăn hoặc còn sót lại, đề nghị người khiếu nại niêm phong trong một hộp đựng hợp vệ sinh, dán nhãn “mẫu cần kiểm nghiệm”, để các cơ quan chức năng có thể đánh giá tính hợp lệ của khiếu nại ngộ độc thực phẩm của họ.
    • Người nghi bị ngộ độc có được chăm sóc y tế hay không
    • Nếu người nghi bị ngộ độc chưa khỏi, hãy đề nghị đưa đến gặp bác sĩ để họ có thể được điều trị gấp.
    • Khuyến khích người nghi bị ngộ độc làm xét nghiệm để phân tích (để xác định bản chất của bệnh)

Mục đích của bạn ở đây là truyền đạt sự đồng cảm mà không tỏ ra quá hối lỗi, phòng thủ hoặc chỉ ra cho người đó biết rằng thức ăn của bạn có thể là lỗi. Hãy hứa rằng bạn sẽ điều tra khiếu nại ngay lập tức và liên hệ với họ trong thời gian sớm nhất để cập nhật.

Nếu bạn không phải là chủ doanh nghiệp, hãy thông báo cho chủ sở hữu ngay lập tức, chuyển tất cả các thông tin chi tiết thu thập được từ khách hàng.

Bước 2. Điều tra khiếu nại

Mời người có chuyên môn, có chứng chỉ về Giám sát VSATTP đến để thu thập chứng cứ việc vận hành, đánh giá tính hợp lệ của khiếu nại về ngộ độc thực phẩm và để ngăn ngừa xảy ra sau đó nếu khiếu nại là đúng.

Để điều tra khiếu nại:

    • Phỏng vấn nhân viên trực tiếp phục vụ khách hàng và nhân viên bếp theo các cá có liên quan đến việc chế biến ra món ăn nghi ngộ độc.
    • Xác định xem gần đây có khách hàng nào khác bị ngộ độc thực phẩm hay không.
    • Kiểm tra tất cả hồ sơ chứng từ nhà bếp để đảm bảo rằng món ăn nghi ngờ đã được xử lý, nấu chín và bảo quản đúng cách.
    • Tìm xem có bao nhiêu phần đã được phục vụ.
    • Kiểm tra xem có bất kỳ thực phẩm nào bị nghi ngờ gây bệnh vẫn còn trong cơ sở nhà hàng không và nếu có, hãy bảo quản nó một cách hợp vệ sinh, dán nhãn là ‘thực phẩm bị nghi ngờ không an toàn” và để trong tủ lạnh để a) đảm bảo rằng nó không được phục vụ cho những khách hàng khác, và b) cung cấp bằng chứng nếu cần thử nghiệm trong phòng thí nghiệm.

Trong trường hợp bạn không thể mời được chuyên gia hay cơ quan VSATTP điều tra, bạn có thể mời một đại diện biên thứ 3 giám sát bạn thực hiện các bước tự kiểm tra như trên.

Đối với những đối tác của PITO, PITO sẽ cử đại diện hỗ trợ việc điều tra nội bộ này cùng nhà hàng bạn. 

Bước 3. Báo cáo 

Nếu nhiều người cáo buộc rằng họ đã bị ngộ độc thực phẩm từ doanh nghiệp của bạn trong cùng một trường hợp, hãy liên hệ với cơ quan chức năng, ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố. Họ có thể sẽ điều tra:

    • Nhà bếp của doanh nghiệp thực phẩm của bạn
    • Quy trình chuẩn bị và bảo quản thực phẩm
    • Kiến thức, đào tạo và kỹ năng về an toàn thực phẩm của nhân viên

Bước 4. Bồi thường cho Khách hàng

Cho dù nhà hàng của bạn có lỗi do thức ăn gây ngộ độc hay không, bạn nên bồi thường cho khách hàng vì lý do “không hài lòng” hoặc tặng họ phiếu quà tặng cho một lần mua hàng trong tương lai, nhằm mục đích duy trì mối quan hệ tích cực với khách hàng.

Khách hàng luôn luôn đúng, tuy nhiên, trong trường hợp khiếu nại ngộ độc thực phẩm, nhà hàng cần cẩn trọng khi xử lý tình huống để tránh những thiếu sót dẫn đến hậu quả thiếu công bằng cho cả hai bên. 

Đối với nhà hàng, đặc biệt là khi phục vụ catering tận nơi, liệu có thể tiếp tục kinh doanh hiệu quả khi bị gắn mác “đã từng gây ngộ độc” hay không? Vì vậy, chuẩn bị kiến thức xử lý trước sẽ là điều cần thiết cho nhà hàng của bạn.   

Bài viết dựa trên kinh nghiệm và có tổng hợp thêm các nguồn từ:  Học Viện An Toàn Thực Phẩm Úc, Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ, Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, Cục an toàn thực phẩm.

Phạm Đông Huy

Huy là Founder và CEO của PITO. Với niềm đam mê về kinh doanh nhà hàng và công nghệ từ khi còn là một học sinh trung học. Trải qua một thời gian dài tích luỹ kinh nghiệm trong ngành ẩm thực và khởi nghiệp công nghệ, Huy tạo ra nền tảng PITO để được kết nối và cùng phát triển ngành catering cho doanh nghiệp với những Đối tác của PITO.

{"email":"Email address invalid","url":"Website address invalid","required":"Required field missing"}

Có thể bạn cũng quan tâm:

Tháng Bảy 24, 2021

>